Vòng đời phân hủy của vải sợi “đáng sợ” hơn bạn nghĩ ?

Theo bạn một bộ quần áo mất bao lâu để phân hủy? 10 năm, 20 năm, 200 năm hay hơn thế?

Trong tiềm thức của mọi người, khi nhắc đến những chất liệu gây ô nhiễm môi trường vì khả năng phân hủy kém, người ta sẽ nghĩ ngay đến các chất thải nhựa như chai, lọ, túi nylon,… Trong khi đó, trang phục cũng là một trong những nguyên nhân lớn gây ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa nhưng ít người để ý.

Trước đây, nguồn chất liệu vải sợi được sử dụng trong may mặc chủ yếu thuộc 2 nhóm: vải sợi tổng hợp (polyester, da tổng hợp, nylon,…) và vải sợi tự nhiên (cotton, vải len, tre, sồi,…); Với mỗi nhóm chất liệu sẽ có vòng đời phân hủy khác nhau và những tác động, ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Số liệu thống kê từ các nghiên cứu cho thấy, những bộ trang phục được làm từ chất liệu vải sợi tổng hợp có sự phân hủy lâu hơn gấp vài chục năm cho tới hàng trăm năm so với chất liệu tự nhiên.  

Dẫn chứng cụ thể hơn về nhận định này, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các loại vải da tổng hợp mất từ 25-40 năm để phân hủy; vải nylon cần 30 - 40 năm trong khi vải polyester phải mất 20 cho đến 200 năm mới phân hủy hoàn toàn. Trái ngược các chất liệu tổng hợp, vải sợi tự nhiên thân thiện với môi trường hơn khi dễ phân hủy và ít để lại ảnh hưởng lâu dài.

Hiện nay, vải sợi 100% cotton thuộc nhóm phân hủy nhanh nhất khi mất chưa tới nửa năm. Các loại vải sợi từ tơ, lụa, len,… cũng có vòng đời phân hủy ngắn chỉ trong vài năm. Và nếu so sánh các tính năng giữa 2 loại vải này đều có ưu nhược điểm riêng, tuy nhiên chất liệu tổng hợp lại được ưa chuộng hơn vì tối giản chi phí?

Thực tế cho thấy, để sản xuất ra loại vải sợi tự nhiên đã làm hao tốn không ít nguồn lực, thời gian, nhiên liệu của doanh nghiệp. Chính vì thế, giá thành chắc chắn có sự chênh lệch nhất định đối với các loại sợi tổng hợp. Một bên vừa tốn công, tốn sức, khó bảo quản nhưng lợi ích nhận lại không như mong đợi sẽ khiến các nhà sản xuất chùn bước. Trong khi đó, sản xuất chất liệu tổng hợp không tốn nhiều công sức và nguồn lực còn mang đến hiệu quả cao về số lượng, với mức giá cả hợp lý.

Có rất nhiều cảnh báo cũng như dẫn chứng về số liệu và nghiên cứu từ ảnh hưởng của chất thải nhựa trong vải sợi ra môi trường. Thế những mỗi người chúng ta dường như vẫn đang thờ ơ khi cho rằng, đó là chuyện xa vời ngoài kia của thế giới. Các tổ chức môi trường ước lượng, mỗi năm trái đất phải gánh chịu khoảng 500 tấn quần áo phế thải và có đến 80% chuyển vào bãi rác, chỉ 20% được tái chế. Với số lượng 80%/500 tấn quần áo, các bạn nghĩ môi trường thế giới sẽ “cầm cự” được bao lâu?

Thời trang nhanh giá rẻ, nhưng cái giá phải trả về lâu dài quá đắt. Thời trang bền vững với mức giá cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng đổi lại cái giá bạn phải trả cho sau này sẽ giảm đi một nửa. Và dù là thời trang nhanh hay bền vững đều có ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, hãy luôn là người tiêu dùng thông minh với việc sử dụng tối giản các sản phẩm may mặc, ủng hộ các sản phẩm tái sử dụng để góp phần bảo vệ môi trường.

Ý kiến bạn đọc