TT TRẺ EM – THỊ TRƯỜNG “NGÁCH” NHIỀU CƠ HỘI, LẮM RỦI RO

Nhân ngày quốc tế thiếu nhi 01/06, hãy cũng all4school tìm hiểu đôi nét về thị trường thời trang trẻ em hiện nay nhé.

Miếng bánh “màu mỡ” của những tay ngang

Khi nhắc đến thời trang, mặc định trong đầu mỗi người sẽ nghĩ ngay đến những bộ quần áo người lớn. Chúng ta dường như quên mất khái niệm thời trang trẻ em, một ngã rẽ còn rất rộng lớn và tiềm năng. Thế nhưng tại sao một miếng bánh “béo bở” như vậy lại còn bỏ ngỏ, trong khi thị trường thời trang đang ngày càng khốc liệt?  Đó chính là vấn đề chúng ta cần cân nhắc và thận trọng với thị phần ngách này.

Trên thế giới, thương hiệu chuyên về thời trang trẻ em không nhiều, đa phần chỉ là mảng kinh doanh phụ. Có thể kể đến một vài cái tên “đình đám” như: GAP; Paul and Paula; Bobo Choses; Boss kids; Uniqlo; Zara kid;… Tại thị trường Việt, thương hiệu đồ trẻ em không phải quá hiếm, mặc dù không đình đám như các thương hiệu thế giới, với một vài cái tên: Kidstyle; Sumi Kid; Mikikids; Alado Kids; Concung… .

Theo số liệu thống kê ở nước ta cho thấy, trẻ em trong độ tuổi dưới 15 đang chiếm đến khoảng 40% dân số. Một số liệu vô cùng hấp dẫn đối với thị trường các sản phẩm dành cho trẻ em nói chung và riêng đối với thời trang trẻ em. Tuy thị phần rộng lớn, nhưng các doanh nghiệp trong nước chỉ “nhảy” vào khi các thương hiệu ngoại đã xây dựng và phát triển thị trường. Chính vì thế, gặp phải nhiều khó khăn cũng như “gánh nặng” cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp ngoại.  

Trước đây, khi đời sống xã hội còn nặng gánh “cơm áo”, nhiều gia đình đặc biệt ở nông thôn thường không quá chú tâm đến trang phục của con cái. Theo thông lệ nhiều gia đình, các con cùng giới tính sẽ luân phiên mặc lại đồ của anh, chị trước. Đây được xem là cách tối giản trong tiết kiệm chi phí, với quan niệm “trẻ em mau ăn, chóng lớn” sẽ lãng phí khi đầu tư vào trang phục.

Sau này, chất lượng cuộc sống được nâng cao, các bậc phụ huynh bắt đầu quan tâm hơn đến cách ăn mặc của con trẻ, mở ra cơ hội lớn đối với thị trường. Xu hướng đồ trẻ em trở nên thịnh hành, các thương hiệu đầu tư thiết kế đa dạng hơn trước nhu cầu và mức độ “chịu chi” từ phụ huynh. Hơn thế, trẻ em đã sớm tiếp cận công nghệ và xu hướng, chính vì thế tự định hình phong cách ăn mặc góp phần giúp thị trường phát triển.

… đến nỗi “ám ảnh” của người trong cuộc  

Một trong những nhược điểm lớn nhất của thị trường thời trang trẻ em chính là sự thay đổi và dịch chuyển liên tục. Thời trang là vấn đề xu hướng, do đó một doanh nghiệp đi sau thời đại chắc chắn sẽ bị đào thải. Ngoài ra, với tiềm lực sản xuất còn nhỏ lẻ, các thương hiệu thời trang đối diện với áp lực gía từ các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc từng được mệnh danh “thánh địa” thời trang trẻ em thế giới. Với thế mạnh nguồn cung, nhân lực và số lượng, các sản phẩm thời trang trẻ em Trung Quốc luôn khiến người dùng choáng ngợp. Bên cạnh đó, khả năng sao chép các mẫu thiết kế cũng được xem là ưu điểm khiến các thương hiệu đuối sức trước Trung Quốc. Và đây cũng là nguyên nhân chính làm chùn bước của các nhà đầu tư Việt.

Nếu bạn nghĩ, chỉ cần vốn lớn sẽ thành công khi gia nhập thị trường thời trang trẻ em, điều vô cùng sai lầm. Thực tế cho thấy, nhiều nhà sản xuất, đầu tư buộc phải tháo chạy vì ghim vốn vào nguồn hàng tồn kho. Thời trang trẻ em khá đặc thù, chính vì thế một sản phẩm hôm nay còn đứng vị trí số 1, ngày mai có khi đã không còn trong bảng xếp hạng. Vậy mới thấy sự khốc liệt trong chuyển dịch và đào thải của phân khúc “béo bở” này.

Nhìn tổng quan thị trường, chúng ta dễ nhận ra các thương hiệu thời trang trẻ em thường không được phát triển đơn lẻ mà cộng sinh vào dòng sản phẩm của người lớn, về lâu dài doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung quảng bả sản phẩm chủ lực. Mặt khác, thời trang trẻ em hiện nay chỉ thịnh hành tại đô thị, các tỉnh lẻ hay vùng nông thôn vẫn ưa chuộng sản phẩm giá rẻ, phù hợp thời tiết, môi trường. Song song đó, giá thành chính là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến quyết định mua của người dùng với tư tưởng “… đồ trẻ em nhưng giá người lớn”, trong khi nguồn nguyên liệu và cung ứng ngày một tăng.

Qua những yếu tố ưu – nhược kể trên, all4school tin rằng mỗi chúng ta đều có cân nhắc cho ý tưởng kinh doanh của riêng mình. Nếu cuộc sống là một dòng chảy liên tục, thời trang chính là những cơn sóng lớn dần buộc bạn phải thích nghi và chinh phục.

Ý kiến bạn đọc