Học online mùa dịch - từ giải pháp bị “chối bỏ”?

Từ một giải pháp “thế thân” không được nhiều phụ huynh ủng hộ, các em học sinh “chối bỏ”, học online đã trở thành biện pháp không thể thay thế trước những đợt bùng phát của đại dịch Covid-19.

Cách đây một năm, học online (trực tuyến) chỉ mang tính giải pháp thay thế kiểu “cực chẳng đã…” do tình hình ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch covid-19. Và không ai nghĩ rằng, việc thay đổi hình thức học này sẽ kéo dài đến năm nay, đồng thời hình thành thói quen học mới đối với các em học sinh.

“Tạm dừng đến trường, không dừng học…”

Những ảnh hưởng từ đại dịch covid-19 gây tác động lớn đến hầu hết mọi mặt của xã hội, từ kinh tế văn hoá đến giáo dục, thể chất. Tạm gác qua những yếu tố về kinh tế, vấn đề giáo dục cũng đứng trước nguy cơ “đóng băng” khi các em học sinh không thể đến lớp.

Thời gian đầu, việc tạm nghỉ học không ảnh hưởng qúa nhiều đến các em học sinh, tuy nhiên tình hình ngày một phức tạp và kéo dài khiến các bậc cha mẹ, thầy cô lo lắng về “lỗ hổng” kiến thức ngày một lớn. Lúc này, giải pháp học online bắt đầu được đưa vào thử nghiệm với vô số những chuyện “dở khóc, dở cười” từ học sinh đến giáo viên.

Thực tế cho thấy, dù học trên lớp hay học online đều có những ưu - nhược điểm riêng và mọi giải pháp đều phải trải qua những bước đi đầu tiên để tạo thành thói quen. Đối với việc học online, đừng xem đây là việc học dễ dàng mà hãy nghĩ đó là biện pháp thuận tiện. Vì như thế các em học sinh sẽ học tập chuyên tâm hơn, cố gắng hơn trước vô số những sự xao nhãng xoay quanh phương pháp học này.

Sự thích nghi từ các em học sinh…

Trái ngược trước những lo lắng từ các bậc phụ huynh, các em học sinh sau thời gian có hành động phản kháng đã dần thích thú và hưởng ứng với việc học online. Mặc dù thời gian đầu, việc ngồi học trước màn hình máy tính không thực sự mang lại hiệu quả do sự thiếu tập trung, phân tâm của các em.

Để hình thành thói quen học online, các bậc phục huynh đã phải nỗ lực động viên con em rất nhiều và trở thành những “thầy giám thị” bất đắc dĩ tại gia. Bên cạnh đó, các em học sinh đang trong độ tuổi phát triển và luôn luôn kiếm tìm những điều mới lạ, thú vị. Chính vì thế, các bậc phục huynh, giáo viên đã tinh ý đánh vào tâm lý này để khơi dậy tinh thần học tập của các em.

Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng khác giúp việc học online của các em học sinh trở nên quy củ và đi vào nề nếp, nhờ vào những thời khoá biểu mang tính kỷ luật. Không chỉ xây dựng thời khoá biểu cho  buổi học chính thức, các bậc phục huynh còn giúp các em tự tạo bảng biểu cá nhân với những giờ học bổ sung kiến thức, hoạt động giải trí,… vừa góp phần nâng cao tinh thần học tập còn giúp các em giải toả tâm lý bí bách trong mùa dịch.  

… đến những thay đổi trong giáo trình dạy của giáo viên  

Phương pháp dạy online gây bối rối cho nhiều giáo viên trong thời gian đầu thử nghiệm, đặc biệt khó khăn đối với thầy cô lớn tuổi. Sau những bỡ ngỡ đầu tiên về phương thức, việc truyền tải và quản lý học sinh qua màn hình trực tuyến cũng không hề đơn giản. Nhiều thầy, cô chia sẻ có buổi dạy chỉ có vài em vào học buộc phải gọi điện cho từng phụ huynh thúc dục con em. Hay nhiều trường hợp các em vừa học vừa ăn uống, làm việc riêng,... khiến buổi học không đạt được kết quả như mong đợi.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, trước tình hình đại dịch Covid-19 ngày một phức tạp, phương pháp học online cần được tính đến những bước dài hơi thay vì đơn thuần chỉ là một giải pháp mùa dịch. Và để làm được điều đó, cần có sự chuẩn bị tốt cho các giáo viên. Một giáo án phù hợp, một phương pháp truyền tải thiết thực hơn để các em học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức hay tạo sự hứng thú qua những buổi học,... . Tất cả những sự thay đổi tích cực góp phần mang đến những niềm tin tích cực, hiệu quả tích cực và mở ra cánh cửa đầy hy vọng.

Ý kiến bạn đọc