Gia đình trong nền tảng giáo dục con trẻ

Nhân Ngày gia đình Việt Nam 28/6, cùng all4school nhận thức tầm quan trọng của “chiếc nôi” gia đình đối với thế hệ tương lai.

Vào năm 2001, Phó Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định chọn ngày 28/6 hằng năm là Ngày gia đình Việt Nam. Đây được xem là dịp tôn vinh các gia đình Việt với mong muốn tạo sự kết nối giữa các thành viên, đồng thời cổ vũ và đề cao giá trị tinh thần từ “cái nôi” nuôi dưỡng bao thế hệ. Sau hơn 20 năm kể từ khi ra đời, ngày gia đình Việt Nam đang dần được nhắc nhớ và hình thành nên những thói quen tốt cho dịp kỷ niệm đặc biệt này.

Gia đình là yếu tố đầu tiên trong 3 môi trường giáo dục có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con trẻ. Gia đình – nhà trường – xã hội: những môi trường sống cốt lõi hình thành nhân cách, giá trị của một con người. Trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng như một cơ sở, nền tảng hình thành và quyết định nhân cách của một đứa trẻ.

Gia đình không chỉ đóng vai trò như một ngôi trường giáo dục đầu đời, còn là chiếc cầu nối giúp các em tiếp cận môi trường học đường và trở thành nơi gắn kết cho sự hòa nhập xã hội. Gia đình cho ta khởi nguồn, trở thành cầu nối trung gian, và đến cuối cùng chỉ có gia đình luôn luôn song hành cùng bạn. Có ai đó đã từng nói rằng, bất hạnh lớn nhất của đời người là đánh mất gia đình. Chính vì thế, xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình mang trọng trách cao cả, nghĩa vụ thiêng liêng dành cho mỗi người. 

Thực tế cho thấy, một đứa trẻ lớn lên trong gia đình hạnh phúc với môi trường sống lành mạnh sẽ dễ dàng hòa nhập tốt hơn với xã hội, đồng thời có sự định hướng rõ ràng về tương lai. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với tất cả những đứa trẻ không có gia đình, hay xuất thân gia đình không êm ấm là thất bại hay xấu xa. Ở đây chúng ta chỉ muốn nhấn mạnh một thực tại, việc bạn lớn lên có sự bao bọc của gia đình là một điều tuyệt vời và không có vật chất nào đủ giá trị để đánh đổi. Ai đó đã từng nói rằng: “Tiền có thể mua được một ngôi nhà, nhưng không thể mua được một tổ ấm”.

Bên cạnh những yếu tố kể trên, gia đình đối với một đứa trẻ còn mang yếu tố nguồn cội, truyền thống cha ông. Tấm gương từ những người đi trước, có thể là ông bà, cha mẹ, chú bác, anh chị,… những thành tựu để lại, những nền tảng tri thức, nề nếp, gia phong,… tất cả tạo nên một “chiếc nôi” hoàn hảo cho các thế hệ tương lai.

All4school xin mượn 2 câu thơ của tác gỉa Chế Lan Viên trong bài “Con cò” để thay cho những ý nghĩa hình tượng to lớn:

 

 “Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”.

……….

Mỗi người chúng ta ai rồi cũng phải lớn. Và trước những hối hả, xô bồ của cuộc sống vì “cơm, áo, gạo, tiền” gia đình trở nên xa cách, tẻ nhạt hơn. Thời gian trôi, kéo theo sự thay đổi của cuộc sống và bạn cũng sẽ lớn lên rồi già đi với tháng năm. Đến một lúc nào đó, chính chúng ta sẽ chợt nhận ra bản thân đã vô tâm và ích kỷ với gia đình như thế nào. Gia đình không phải là điều quan trọng? Đúng. Vì gia đình là tất cả mọi thứ. Hãy nhớ rằng, dù bạn thành công hay thất bại, dù có đi bất cứ nơi đâu, gia đình vẫn luôn chờ đón bạn.

 

Năm nay, chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam được lựa chọn: "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình năm 2021" với ý nghĩa kêu gọi và thúc đẩy những giá trị văn hóa trong gia đình. Theo đó, thường niên sẽ có nhiều hoạt động diễn ra nhằm chào mừng cũng như tuyên truyền về ngày gia đình, nhưng trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay các hoạt động không được tổ chức thay vào đó nhiều phương án hướng đến thông điệp "Mỗi gia đình là một mặt trận nòng cốt phòng ngừa COVID" được người dân đặc biệt hưởng ứng.
 

 

Ý kiến bạn đọc