Bài toán đầu ra đối với sản phẩm thời trang “xanh”

Khoảng 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm xanh, thế nhưng tại sao các thương hiệu và nhất là lĩnh vực thời trang vẫn phải cân nhắc đầu ra của dòng sản phẩm này?

Trong một cuộc khảo sát về xu hướng người tiêu dùng năm 2017, có khoảng 80% người dân sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, sạch. Đây là con số vô cùng khả quan với xu hướng thị trường xanh mới bắt đầu phổ biến lúc bấy giờ.

Trước đây, khi nhắc đến các sản phẩm xanh, sạch người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến đồ ăn, thức uống. Sau này, làn sóng xanh thâm nhập và lan tỏa mạnh mẽ vào mọi ngành nghề, lĩnh vực làm thay đổi và mở rộng định nghĩa xanh, sạch của cộng đồng. Thời trang “xanh” cũng từ đây có cơ hội phát triển với những bước tiến lớn và mạnh mẽ hơn.

Xu hướng thời trang xanh là điều tất yếu cho sự phát triển của xã hội và người tiêu dùng đều đồng lòng hưởng ứng vì một môi trường sống tốt hơn. Tuy nhiên, vấn đề lớn lại nằm ở các doanh nghiệp và thương hiệu trên thị trường hiện nay. Bởi lẽ, để sản xuất ra một bộ quần áo “xanh”, thương hiệu gần như phải xanh hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Không chỉ mỗi nguồn chất liệu, cơ sở máy móc, tiêu chí vận hành, sản xuất, nhân lực,... tất cả đều có sự thay đổi. Phải công nhận rằng, xu hướng xanh tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp nhưng đồng thời mang đến thách thức không nhỏ.

Với một doanh nghiệp lớn, việc xanh hóa sẽ được xây dựng để thống nhất trong toàn bộ quy trình vận hành và phát triển. Từ định hình thương hiệu ra thị trường, đến việc sử dụng công nghệ hay các biện pháp giúp bảo vệ môi trường. Chính vì thế, các thương hiệu sẽ dễ dàng thích nghi và hòa nhập nhanh chóng. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối diện với thách thức lớn đến từ sự mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Nguồn vốn hạn chế khiến cho quá trình chuyển đổi trở thành gánh nặng, bên cạnh việc tiếp xúc với những công nghệ hiện đại nhưng nguồn nhân lực chưa được nâng cấp, chưa đủ nặng lực để vận hành cũng là thách thức không nhỏ.

Ngoài những khó khăn kể trên, vấn đề đầu ra của sản phẩm cũng khiến các thương hiệu “đau đầu”, mặc dù nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng từ người tiêu dùng. Số liệu thống kê từ ĐH Bách Khoa cho thấy, có đến 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu và 60% không sẵn sàng chuyển đổi sản xuất sản phẩm xanh. Đây là con số chung với tất cả các ngành nghề, riêng đối với lĩnh vực thời trang còn chiếm phần lớn và khó khăn hơn bội phần.

Thực tế cho thấy, một thương hiệu thời trang “xanh” với một thương hiệu thời trang nhanh con số lợi nhuận chênh lệch vô cùng lớn. Hơn thế, quá trình xanh hóa còn buộc doanh nghiệp phải bỏ tài chính, nhân lực, nguồn lực đầu tư đã thâm hụt lớn nguồn vốn thương hiệu. Trong khi đó, đầu ra của sản phẩm xanh còn cao hơn những sản phẩm thời trang khác trên thị trường (vì giá chất liệu, sản xuất cao,...) khiến các doanh nghiệp chùn bước. Một dấu chấm hỏi lớn, một bài toán khó cần tìm lời giải triệt để từ các doanh nghiệp sản xuất may mặc trên thị trường.

Hiện nay, biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng dần lên mỗi ngày và chính mỗi chúng ta cũng tự cảm thấy sự thay đổi đáng sợ hơn. Do đó, all4school tin rằng vấn đề môi trường sẽ không còn là suy nghĩ “chuyện thiên hạ” trong tư duy của các doanh nghiệp. Trong tương lai gần, nhận thức rõ về giá trị từ môi trường đối với cuộc sống và nền văn minh thế giới sẽ hoàn toàn thay đổi bộ mặt nền công nghiệp. Và sẽ có một ngày chúng ta cùng nhau tự hào vì góp phần làm thay đổi “hơi thở” cuộc sống, cùng nhau tốt hơn – xanh hơn – bền vững hơn.

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc